What's new

[Chia sẻ] Malay - Brunei - Sing - Indo: Ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa Bali

Khi Sir Charles Spencer Chaplin cùng gia đình tới Bali hồi đầu thế kỷ trước, hòn đảo ở nam bán cầu ấy mới chỉ là một điểm đến thu hút chừng 1000 khách du lịch mỗi năm. Gần 100 năm sau, Bali đã là một điểm sáng chói lòa trên bản đồ du lịch thế giới khi thiên đường biển đảo này thu hút tới 2 triệu lượt khách du lịch theo số liệu của năm 2008. Nhắc tới Indonesia là nhắc tới Bali. Nói đến Bali là nói đến một thiên đường có sức hút rất khó cưỡng lại với dân du lịch toàn cầu.

Một sáng đầu Đông khi những cơn gió lạnh rủ nhau ùa về Hà Nội, PeterPan lại khăn gói lên đường với đích đến là Bali. Những tấm vé giá rẻ của Air Asia đã được đặt trước... 8 tháng, để sau đó là quãng thời gian háo hức chuẩn bị, và thậm chí có những khi đã tưởng rằng chẳng thể lên đường vì đủ thứ lý do khác nhau. Bởi vậy, lên đường đúng hẹn đã là một may mắn đầu tiên.

Đó là một hành trình dài ngày nhất và xa xôi nhất của riêng PeterPan. Bali là điểm nhấn và cũng là nơi được mong chờ nhất. Tuy nhiên, trước khi được nối gót "anh hề Charlot" để ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa ở Bali, bước chân của PeterPan sẽ ghi dấu tại Kuala Lumpur, Brunei, Melaka và Singapore. Topic này sẽ tiếp tục là một topic chia sẻ thông tin theo dạng nhật ký giống như những topic trước đây của PeterPan, hy vọng sẽ giúp thêm cho các bạn những thông tin tham khảo hữu ích trước những chuyến đi trong tương lai.

7952fe87.jpg
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Tháp Kuala Lumpur

Từ KL Bird Park, PeterPan đi taxi về tháp Kuala Lumpur. Để đi taxi ở một số nơi như tháp đôi Petronas hay KL Bird Park, bạn sẽ phải mua coupon với mức giá cố định cho các tuyến định sẵn. Ví dụ, từ KL Bird Park đi taxi về tháp Kuala Lumpur hết 18 RM theo giá ghi trên coupon.

Tháp Kuala Lumpur (Kuala Lumpur Tower, Merana Kuala Lumpur hay tháp truyền hình Kuala Lumpur) được khánh thành vào năm 1996 sau 5 năm xây dựng. Chiều cao tính cả anten của tháp là 421 m trong khi độ cao tính tới tầng cao nhất là 335 m. Ngoài chức năng là một tháp truyền hình, tháp Kuala Lumpur còn được sử dụng làm nơi quan sát kỳ trăng để đánh dấu sự bắt đầu của các tháng đạo Hồi như Ramadan, Syawal và Zulhijjah.

Cùng với tháp đôi Petronas, tháp Kuala Lumpur thực sự là một biểu tượng của Kuala Lumpur nói riêng và của Malaysia nói chung.

kualalumpur4.jpg

Bản đồ khu vực tháp đôi Petronas và tháp Kuala Lumpur.

kltower1.jpg

KL Tower trong so sánh với các tháp truyền hình khác trên thế giới. Nguồn: wikipedia.

kltower3.jpg

Tháp Kuala Lumpur.

kltower11.jpg

Dưới chân KL Tower.
 
Last edited:
Ngày 2: Kuala Lumpur

Tháp Kuala Lumpur (tiếp)

Mức vé thấp nhất tại tháp Kuala Lumpur là 38 RM/người lớn và 28 RM/ trẻ em ("thẻ sinh viên quốc tế" không có giá trị ở đây). Với 38 RM bỏ ra, bạn sẽ được lên đài quan sát để ngắm toàn cảnh Kuala Lumpur, vào xem vườn thú ở chân tháp với rất nhiều loài động vật độc đáo, cưỡi ngựa chụp ảnh (sẽ được đi 2 vòng nếu cân nặng của bạn nhỏ hơn 50kg) và thử cảm giác của một tay đua với máy giả lập xe đua công thức 1. Nếu bạn có hầu bao rủng rỉnh, bạn cũng có thể mua vé kèm theo một bữa ăn tối tại nhà hàng ở tầng trên của đài quan sát. PeterPan không nhớ chính xác, có lẽ giá vào khoảng hơn 150 RM/người.

PeterPan tới KL Tower khi trời chạng vạng và đã được ngắm một cảnh hoàng hôn khá thú vị từ độ cao 276 m của đài quan sát, sau đó là một Kuala Lumpur lung linh ánh đèn trong đêm.

kltower2.jpg

Tòa nhà có hình dáng như một quả tên lửa hướng lên bầu trời là trụ sở của ngân hàng Maybank. Phía trái khung hình và gần tòa nhà có mái hình tròn là sân vận động Merdeka - nơi đội U22 Việt Nam từng thắng chủ nhà Malaysia để giành Merdeka Cup vào năm 2008.

kltower4.jpg

Những mảng xanh xen kẽ những khối bê tông chọc trời.

kltower6.jpg

Từ góc nhìn này không thể thấy Skybridge của tháp đôi Petronas.

kltower7.jpg

Ở góc nhìn này, có thể dễ dàng nhìn thấy thánh đường quốc gia Malaysia (gồm 1 tháp cao và tòa nhà có mái màu xanh). Ở xa phía sau là tòa tháp Telecom.

kltower8.jpg

Cột cờ 100m (cao nhất thế giới) đánh dấu ngày Malaysia giành được độc lập (31/08/1957).

kltower9.jpg

Hoàng hôn Kuaka Lumpur.

kltower10.jpg

Kuala Lumpur về đêm.
 
Last edited:
Ngày 2: Kuala Lumpur

Tháp Kuala Lumpur (tiếp)

Rời tháp Kuala Lumpur, PeterPan tạt qua khu trưng bày các loại động vật khá độc đáo. Bản chỉ việc chìa tấm vé đã mua với giá 38 RM khi vào KL Tower, nhân viên ở đó sẽ đưa qua máy quét là xong. Khu trưng bày không lớn lắm nhưng lại tập trung rất nhiều loài lạ mắt, từ rắn rết cho tới tắc kè, từ khỉ cho tới những con chuột bé xíu. Thực sự, có một số loài PeterPan mới nhìn thấy lần đầu tiên luôn. Nếu ghé thăm tham tháp Kuala Lumpur, bạn rất nên dành chút thời gian tạt qua khu trưng bày này để xem cho biết.

kltower15.jpg

Lối vào khu trưng bày.

kltower12.jpg

2 trong số rất nhiều con kỳ đà ở khu trưng bày.

kltower13.jpg

Một loài khỉ nhỏ xíu mà PeterPan chưa bao giờ được thấy trước khi tới đây.

kltower14.jpg

Một chú chuột không có lông, thay vào đó là lớp da nhẵn nhụi.

Hai tiết mục tiếp theo là cưỡi ngựa chụp ảnh và trò chơi giả lập đua xe công thức 1 (đều dùng chung tấm vé 38 RM kể trên). Vụ cưỡi ngựa chụp ảnh thì hơi bị bôi bác. Các bạn nữ nhẹ hơn 50 kg sẽ được ngồi trên ngựa và được nài ngựa giúp đi vòng vòng quanh một khoảng sân nhỏ. Các bạn nam thì chỉ được lên ngựa, pose vài tư thế và... chỉ có thế. Tiết mục trò chơi giả lập đua xe công thức 1 thì thú vị hơn chút xíu, tuy nhiên, với khoảng 10 phút vừa làm quen với máy vừa chơi thì chỉ có tính chất... giết thời gian mà thôi.

kltower16.jpg

Những mô hình giả lập đua xe công thức 1.
 
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

Ông lão và đàn chim bồ câu

Sáng sáng, ở khoảng sân rộng phía sau khách sạn Alamanda, có một ông lão nhàn tản ngồi bẻ từng mẩu bánh mì để cho đàn chim bồ câu (cũng có thêm vài chú quạ đi lạc nữa). Tranh thủ buổi sáng rảnh rỗi trong ngày thứ 3 của hành trình, PeterPan đã lặng lẽ quan sát cảnh tượng thú vị này.

Ông lão chẳng cần quan tâm tới điều gì khác ngoài đàn chim bồ câu (chẳng rõ là của ông, do ông nuôi hay là lũ chim sinh sống tự nhiên rồi quen mùi bánh mì mà ngày ngày tìm đến). Lũ chim bồ câu như những đứa trẻ đang được ông lão chăm chút. Chúng cứ quấn lấy xung quanh ông lão như lũ con nhỏ bên người cha già.

Thế rồi, chốc chốc, đàn chim lại tung cánh bay rợp cả một khoảng sân. Tiếng đập cánh của chúng làm xao động buổi sáng trong vắt tưởng như không thể có ở một chốn ồn ã, náo nhiệt như Chinatown.

oldman1.jpg

Ông lão nhàn tản bên đàn chim bồ câu.

oldman2.jpg

Cẩn thận bẻ từng miếng bánh mì cho "đàn con nhỏ".

oldman6.jpg

Đàn bồ câu quá dạn người đến nỗi tiếng bước chân của PeterPan cũng chẳng khiến chúng mảy may quan tâm.

oldman5.jpg

Lũ chim bồ câu đang "nghỉ giữa hiệp" sau khi ních đẫy bánh mì.

oldman3.jpg

Thế rồi chúng "vút bay"...

oldman4.jpg

... và tung cánh trên bầu trời xanh.
 
Last edited:
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

Đền Sri Mahamariamman

Một trong những điểm tại Chinatown được Lonely Planet đánh giá cao và giới thiệu với dân du lịch là đền Sri Mahamariamman. Được xây dựng vào năm 1873, ngôi đền 137 năm tuổi này chính là đền thờ Hindu lâu đời và giá trị nhất tại Kuala Lumpur.

Gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Kuala Lumpur nói riêng và Malaysia nói chung, đền Sri Mahamariamman cũng trải qua không ít thăng trầm. Năm 1873, ngôi đền này được K. Thamboosamy Pillai khởi công xây dựng tại vị trí gần ga xe lửa Kuala Lumpur với mục đích ban đầu chỉ đơn giản là để dùng làm một đền thờ riêng cho gia đình ông.

8 năm sau, đền Sri Mahamariamman được chuyển về vị trí như hiện nay (nằm trên phố Tun H.S. Lee). Vào năm 1887, đền bị kéo sập và thế vào khoảng trống còn lại là một bức tường gạch. Cuối những năm 20 của thế kỷ trước, nhà Pillai quyết định trao quyền quản lý đền cho một hội đồng gồm những người có đủ độ tin cậy.

Tuy nhiên, phải tới năm 1968, bức tường gạch kể trên mới bị phá đi để mở lại lối vào ngôi đền. Kể từ đó, đền Sri Mahamariamman mang kiến trúc như hiện nay. Điểm nhấn của ngôi đền là cổng vào dạng tháp (gopuram) với rất nhiều bức tượng mang phong cách Nam Ấn.

sritemple2.jpg

Từ khách sạn Alamanda tới đền Sri Mahamariamman chỉ mất chưa đầy 5 phút đi bộ.

sritemple3.jpg

Cổng đền dạng tháp gopuram.

sritemple4.jpg

Những bức tượng nhiều màu sắc của đền Sri Mahamariamman.
 
Last edited:
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

Đền Sri Mahamariamman (tiếp)

Đền Sri Mahamariamman gồm có 4 phần: tòa cổng 5 tầng dạng tháp (gopuram), điện thờ chính, cỗ xe ngựa bạc và tòa nhà Bangunan Mariamman.

Gopuram 5 tầng là kiến trúc đáng chú ý nhất và cũng đạt độ cao lớn nhất của đền Sri Mahamariamman. Với chiều cao 22,9 m, tòa cổng có dạng kim tự tháp cụt chóp này nổi bật với 228 bức tượng các vị thần của đạo Hindu. Tất cả những bức tượng sống động này đều được chế tác bởi những thợ thủ công đến từ Nam Ấn Độ. Đền Sri Mahamariamman được xây dựng mô phỏng theo hình dáng của một người nằm ngửa mặt lên trời, đầu quay về phía Đông, chân hướng về phía Tây. Gopuram 5 tầng chính là đôi chân của cơ thể ấy. Bước qua gopuram là bước qua ngưỡng cửa giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần.

sritemple5.jpg

Dãy nhà đối diện đền Sri Mahamariamman bị trống ra một khoảng ứng với gopuram.

sritemple6.jpg

Những bức tượng nhiều màu sắc trên gopuram.

Nếu gopuram là chân thì điện thờ chính của đền Sri Mahamariamman là đầu. Điện thờ được lát đá màu đỏ và có không gian rộng mở với rất nhiều họa tiết hoa văn đa dạng về màu sắc, hình dáng. Điện thờ được chia làm nhiều gian thờ khác nhau với trung tâm là chính điện thờ nữ thần Sri Maha Mariamman. Những người Ấn Độ tha hương coi nữ thần Sri Maha Mariamman là người bảo vệ cho họ ở nơi đất khách, quê người.

sritemple8.jpg

Điện thờ chính của đền Sri Mahamariamman.

sritemple9.jpg

Một thầy tu đang lau rửa chính điện thờ nữ thần Sri Maha Mariamman.

sritemple10.jpg

Điện thờ chính sáng bừng trong nắng sớm.

Không hiểu vì sao PeterPan không nhìn thấy cỗ xe ngựa bạc - điểm đáng chú ý thứ ba trong đền Sri Mahamariamman. Cỗ xe ngựa quay về hướng động Batu (cũng do K. Thamboosamy Pillai tìm ra) là một phần không thể thiếu của lễ hội Thaipusam hàng năm. Nó được làm tại Ấn Độ với 12 phần khác nhau rồi được vận chuyển bằng đường biển sang Malaysia trước khi được lắp ráp hoàn chỉnh. Được chế tác năm 1893, cỗ xe ngựa cao tới 6,5 m này tiêu tốn tới 350.000 RM và 350 kg bạc.

sritemple7.jpg

Cỗ xe ngựa trên gopuram có lẽ được mô phỏng theo cỗ xe ngựa bạc cao 6,5 m ở trong khuôn viên đền.

Kiến trúc đáng chú ý thứ tư của đền Sri Mahamariamman là Bangunan Mariamman. Đây là một tòa nhà 6 tầng với ngân sách xây dựng lên tới 13 triệu RM. Tọa lạc ở phía sau đền Sri Mahamariamman, tòa nhà Bangunan Mariamman là nơi ở và làm việc của các thành viên hội đồng quản lý đền Sri Mahamariamman.

sritemple1.jpg

Đền Sri Mahamariamman nhìn từ ô cửa sổ của khách sạn Alamanda. Phía sau đền là tòa nhà Bangunan Mariamman.
 
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

Đền Sri Mahamariamman (tiếp)

Để vào được đền Sri Mahamariamman, du khách sẽ phải bỏ lại giầy dép ở một quầy nhỏ phía ngoài với giá 50 sen (0,5 RM) cho công trông giữ. Trước khi bước chân qua cổng chính, du khách sẽ được một người đàn ông chấm một chấm nhỏ bằng bột đỏ vào trán rồi nhận từ tay người này một túi nylon nhỏ có sữa dê. PeterPan cũng không phải là ngoại lệ.

Đặt những bước chân trần vào khoảng sân phía trong đền, PeterPan thấy mình như đang ở... Ấn Độ. Đó là một không gian tôn giáo đậm đặc và vô cùng đặc trưng. Mùi hương trầm phảng phất nhưng cũng đủ đánh động khách phương xa rằng họ đã đặt chân vào một chốn thâm nghiêm.

Theo chân những người Ấn đi lễ buổi sáng, PeterPan bước vào điện thờ chính của đền Sri Mahamariamman. Túi sữa dê trên tay PeterPan sau đó được chuyển cho một thầy tu Hindu như một lễ vật cúng dường. Lẳng lặng chọn cho mình một góc khuất trong điện thờ, PeterPan nhàn tản ngồi ngắm nhìn những con người đang sống hết mình với đức tin của họ.

sritemple11.jpg


Rời đền Sri Mahamariamman với những ấn tượng đầu tiên về đạo Hindu, PeterPan gói ghém đồ đạc rồi nhanh chóng di chuyển tới LCCT (ga hàng không giá rẻ của Air Asia). Tạm chia tay với Malaysia để ghé qua Brunei, một đất nước nhỏ bé nhưng không kém phần thú vị...
 
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

24 giờ ở Brunei

Với PeterPan, Brunei luôn gợi nên những tò mò. Một quốc gia nhỏ bé chỉ có diện tích khoảng 5.765 km2 nhưng lại có thu nhập bình quân đầu người lên tới 25.386 USD theo số liệu của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) trong năm 2009. Một đất nước chỉ có chưa đầy 400.000 dân nhưng lại có thủ đô sở hữu cái tên vào loại dài nhất thế giới (bạn hãy thử nhớ và viết ra ngay mà không cần tới Google nhé).

Bởi vậy, Brunei đã xuất hiện trong lịch trình của PeterPan như một điểm đến không thể bỏ qua. Đó là một cuộc khám phá chỉ gói gọn trong 24 giờ đồng hồ nhưng hứa hẹn những điều thú vị hơn rất nhiều những thông tin từ những trang sách.

mapklbrunei.jpg

Sơ đồ chặng bay Kuala Lumpur - Brunei.

brunei1.jpg

Tạm biệt Kuala Lumpur, sẽ trở lại sau 24 giờ.

brunei2.jpg

Những hòn đảo nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Borneo.

brunei3.jpg

Đã tới đảo Borneo - đảo lớn thứ ba trên hành tinh. Dòng sông đổ ra biển lớn kia vẫn thuộc lãnh thổ Malaysia.

brunei4.jpg

Nhưng dòng nước nhỏ bên trái này đã thuộc Brunei.

brunei5.jpg

Sân bay Brunei khá nhỏ nhưng sạch sẽ và hiện đại.

brunei6.jpg

Brunei Darussalam.
 
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

24 giờ ở Brunei (tiếp)

Ngày 21/06/1521, hải đoàn của nhà hàng hải vĩ đại Ferdinand Magellan đã cập bến Brunei. Nhật ký hải trình ghi lại rằng Magellan cùng các thủy thủ của ông được một hoa tiêu có tên là Moro dẫn đường và họ đã lưu lại ở Brunei tới 35 ngày. Lúc bấy giờ, Brunei đã là một thương cảng sôi động trên tuyến đường giao thương giữa Trung Quốc với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng như những xứ sở xa xôi tận trời Âu. Người Brunei thậm chí còn khiến thủy thủ đoàn của Magellan phải ghen tị khi họ phô trương thanh thế bằng màn trình diễn của những thớt voi đã thuần hóa hay khẩu đội súng thần công lên tới 62 khẩu (gấp 5 lần so với khẩu đội trên những chiếc thuyền của Magellan). Chưa hết, những vị khách tới từ Châu Âu còn phải trầm trồ khi được chiêm ngưỡng những món đồ sứ tinh xảo vốn chưa được phổ biến rộng rãi ở lục địa già, hay những chiếc kính đeo mắt mà dân tóc vàng mắt xanh vẫn còn ít được thấy.

489 năm sau, PeterPan nối gót Magellan đặt chân tới Brunei trong một ngày nắng đẹp đầu tháng 11. Không có được quỹ thời gian tới 35 ngày như nhà hàng hải vĩ đại, PeterPan chỉ có vỏn vẹn 24 giờ để khám phá đất nước nhỏ bé song lại có một lịch sử vô cùng thăng trầm, biên động. Thế nhưng, chừng đó cũng là tạm đủ để có một cái nhìn khái quát về Brunei - một quốc gia hùng mạnh từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 16 (lãnh thổ bao gồm cả phía Nam của Philippines cũng như các bang Sarawak và Sabah của Malaysia ngày nay).

Chẳng rõ Magellan và thủy thủ đoàn của ông đã lưu lại Brunei trong điều kiện như thế nào suốt 35 ngày, ngay trên thuyền của họ hay trong những tòa điện lộng lẫy? Với PeterPan, việc tìm 1 chỗ nghỉ lại tại Brunei bị giới hạn bởi hầu bao khiêm tốn. Các khách sạn tầm tầm ở đất nước này thường có giá từ 40-50 $ Brunei trở lên ($ Brunei ngang $ Sing, bằng khoảng hơn 15.000 VND). Sau thời gian tìm hiểu và sàng lọc các phương án, lựa chọn phù hợp nhất (với túi tiền) là Pusat Belia. Đây là một trung tâm thể thao của thủ đô Bandar Seri Begawan nhưng được trưng dụng làm nơi tá túc của dân du lịch bụi từ lâu nay. Giá thì đủ mềm để PeterPan không còn phải lăn tăn gì nữa: 10$ Brunei/người trong phòng dorm 4 giường (2 giường 2 tầng).

Tạm gọi Pusat Belia là 1 hostel vì nó hội tụ khá đầy đủ các đặc điểm thường thấy của 1 hostel. Khu vệ sinh dùng chung (ở ngoài phòng và trong 1 khu riêng) khá sạch sẽ, phòng dorm rộng, đầy đủ chăn gối và đệm. Thủ tục check in cũng rất đơn giản: chỉ việc khai một tờ khai rồi trả 10$ Brunei/người là được trao chìa khóa (lúc trả phòng chỉ việc bỏ vào một chiếc hòm nhỏ gần quầy lễ tân). Trước khi đi, PeterPan được nhắc về việc Pusat Belia chia 2 khu nam và nữ riêng do Brunei là một quốc gia Hồi giao khá khắt khe. Tuy nhiên, người quản lý ở đây đã linh động cho cả đoàn của PeterPan ở chung 1 phòng, 4 người và 2 giường dorm 2 tầng, thật không còn gì tiện bằng.

Yên tâm về 1 đêm không quá đắt đỏ ở Brunei, PeterPan nhẹ nhõm vác máy ảnh đi "săn" hoàng hôn sắp buông ở nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien.

brunei7.jpg

Xe buýt màu tím ở Brunei, mỗi lượt đi tốn 1$ Brunei/người. Ra khỏi sân bay, chỉ việc bắt bất cứ xe buýt màu tím nào (y như bắt xe khách ở Việt Nam) là đều có thể về tới trung tâm thủ đô. Không nên đi taxi vì vừa ít xe và lại vừa đắt (thậm chí là rất, rất đắt). Ảnh: lampx.

brunei8.jpg

Hostel Pusat Belia.

brunei9.jpg

Nội thất 1 căn phòng điển hình ở Pusat Belia. Ảnh: lampx.

brunei10.jpg

Bể bơi với giá 1$ Brunei/người, bơi thoải mái từ 9 giờ sáng tới 7 giờ tối. Ảnh: lampx.

brunei11.jpg

Biển thông báo này khiến vài người trong đoàn lo âu, nhưng rồi mọi chuyện cũng được thu xếp ổn thỏa. Ảnh: lampx.
 
Last edited:
Ngày 3: Kuala Lumpur - Brunei

24 giờ ở Brunei (tiếp)

Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien

Trên 1 hòn đảo to to (Borneo) có một quốc gia nhỏ nhỏ (Brunei), trong quốc gia nhỏ nhỏ này có những mỏ dầu với trữ lượng to to, những mỏ dầu với trữ lượng to to ấy lại nuôi sống một dân số nhỏ nhỏ, một dân số nhỏ nhỏ ấy lại sở hữu những khoản thu nhập to to (GDP tính theo sức mua tương đương xếp thứ 5 trên thế giới theo thống kê năm 2009 của IMF), những khoản thu nhập to to ấy chỉ dùng để mua những chiếc xe nhỏ nhỏ (ở Brunei ít thấy các loại xe cỡ lớn, chủ yếu là xe nhỏ), và rồi những chiếc xe nhỏ nhỏ ấy giúp người dân Brunei tới những nhà thờ Hồi giáo to to mỗi khi cần cầu nguyện.

Dẫn dắt dài dòng thế chẳng qua là để kể với các bạn rằng điểm tham quan đầu tiên của PeterPan tại Brunei là nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien (lấy theo tên của vị quốc vương thứ 28 và là người cha quá cố của quốc vương hiện nay, Hassanal Bolkiah). Đây là một nhà thờ mang kiến trúc Hồi giáo hiện đại với những đường nét kiến trúc Mughal pha trộn với phong cách kiến trúc Italia.

PeterPan tới đây khi cuối chiều, nắng rất vàng, trời rất xanh và mây rất trắng. Còn tuyệt hơn nữa khi công sức mai phục và chờ đợi đã giúp PeterPan "săn" được một cảnh hoàng hôn huy hoàng trên sông Brunei trong tiếng kinh cầu nguyện phát ra từ nhà thờ Sultan Omar Ali Saifuddien. Đó là những khoảnh khắc khiến bạn mất hết cảm giác về không gian và thời gian.

brunei12.jpg

Bản đồ trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan.

brunei13.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien chỉ cách Pusat Belia chừng hơn 10 phút đi bộ.

brunei14.jpg

Nhà thờ nằm ven bờ sông Brunei và được bao quanh bởi những hàng cây cao vút.

brunei15.jpg

Một khung hình như trong chuyện cổ tích.

brunei16.jpg

Sultan Omar Ali Saifuddien là một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương và cũng là điểm tham quan chính ở Brunei.

brunei17.jpg

Tòa tháp này được coi là kiến trúc cao nhất tại Bandar Seri Begawan. Đi thang máy lên tầng cao nhất, bạn sẽ có view tuyệt đẹp ra khắp thủ đô của Brunei.

brunei18.jpg

Hiệu ứng góc rộng làm tòa kiến trúc hơi xô nghiêng, nhìn lại thêm muôn phần kỳ bí...
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,872
Bài viết
1,156,333
Members
190,235
Latest member
medicalantiaging
Back
Top