What's new

[Chia sẻ] Malay - Brunei - Sing - Indo: Ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa Bali

Khi Sir Charles Spencer Chaplin cùng gia đình tới Bali hồi đầu thế kỷ trước, hòn đảo ở nam bán cầu ấy mới chỉ là một điểm đến thu hút chừng 1000 khách du lịch mỗi năm. Gần 100 năm sau, Bali đã là một điểm sáng chói lòa trên bản đồ du lịch thế giới khi thiên đường biển đảo này thu hút tới 2 triệu lượt khách du lịch theo số liệu của năm 2008. Nhắc tới Indonesia là nhắc tới Bali. Nói đến Bali là nói đến một thiên đường có sức hút rất khó cưỡng lại với dân du lịch toàn cầu.

Một sáng đầu Đông khi những cơn gió lạnh rủ nhau ùa về Hà Nội, PeterPan lại khăn gói lên đường với đích đến là Bali. Những tấm vé giá rẻ của Air Asia đã được đặt trước... 8 tháng, để sau đó là quãng thời gian háo hức chuẩn bị, và thậm chí có những khi đã tưởng rằng chẳng thể lên đường vì đủ thứ lý do khác nhau. Bởi vậy, lên đường đúng hẹn đã là một may mắn đầu tiên.

Đó là một hành trình dài ngày nhất và xa xôi nhất của riêng PeterPan. Bali là điểm nhấn và cũng là nơi được mong chờ nhất. Tuy nhiên, trước khi được nối gót "anh hề Charlot" để ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa ở Bali, bước chân của PeterPan sẽ ghi dấu tại Kuala Lumpur, Brunei, Melaka và Singapore. Topic này sẽ tiếp tục là một topic chia sẻ thông tin theo dạng nhật ký giống như những topic trước đây của PeterPan, hy vọng sẽ giúp thêm cho các bạn những thông tin tham khảo hữu ích trước những chuyến đi trong tương lai.

7952fe87.jpg
 
Re: Ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa Bali

Đây chính là link mà bạn gửi cho mình, chỉ khác là chọn vào mục KLIA Transit thôi, bạn đọc kỹ nhé:
http://www.kliaekspres.com/erlsb/KLIATransit/tabid/96/Default.aspx

KLIA Transit is a rapid transit service designed specially for commuters and airport personnel. Just like KLIA Ekspres, this train service shares the same tracks as the KLIA Ekspres connecting KLIA and Kuala Lumpur city centre. KLIA Transit however makes 3 quick intermediate stops along key townships - Bandar Tasik Selatan, Putrajaya & Cyberjaya and Salak Tinggi.
 
Re: Ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa Bali

Bài viết của bạn hứa hẹn sẽ rất hay, mình không có ý làm loãng. Chỉ lưu ý là nếu đi KLIA Ekspres sẽ không tới được Putrajaya đâu. Vì trên bản đồ 2 line đó trùng nhau nên e rằng sẽ có sự nhầm lẫn. Mình chưa bao giờ nói rằng đi KLIA Transit sẽ không đến được Putrajaya.

Thôi, không quấy rầy bạn nữa.
 
@dinhnguyen: Cảm ơn bạn đã theo dõi topic và góp ý kiến :).
----------------------------------------------------------------------------------
Khách sạn Alamanda

Trước khi sang Kuala Lumpur, PeterPan đã đặt khách sạn Alamanda thông qua trang agoda.vn. Với hầu bao vừa phải, PeterPan chọn Alamanda vì đó là khách sạn duy nhất ở mức hơn 400k tiền Việt một phòng đôi mà không phải sử dụng phòng tắm chung (tất nhiên, chỉ xét trong số những khách sạn được agoda.vn liệt kê).

Lúc đặt cũng hơi lo vì xem qua ảnh trên agoda.vn thì thấy khách sạn hơi cũ. Tuy nhiên, khi tới nơi thì yên tâm hơn. Có lẽ Alamanda vừa có một cuộc chỉnh trang nhan sắc nên nhìn thật thấy mới mẻ, sạch sẽ và tạo cảm giác yên tâm. Đây là khách sạn của người Ấn nằm trên phố Petaling ở khu Chinatown. Trong 4 ngày lưu lại đây, PeterPan có 2 ngày ở tầng 6, 2 ngày ở tầng 4, và chất lượng phòng của tầng 6 tốt hơn nhiều so với tầng 4 (một số phòng bị hỏng đường ống nước). Các bạn đi sau này lưu ý thông tin này nhé.

Khách sạn Alamanda có vị trí khá hay, phía sau là một khoảng sân rộng, sáng sáng có một cụ ông ngồi bẻ bánh mỳ cho một đàn chim bồ câu và vài chú quạ nữa. Từ Alamanda cũng có thể nhìn thấy đền Sri Mahamariamman - một điểm must-see theo gợi ý của Lonely Planet. Từ Alamanda, đi bộ tới ngôi đền này chỉ chưa đầy 5 phút.

Một số thông tin về khách sạn Alamanda để các bạn tham khảo:
Địa chỉ: Số 85, phố Petaling, Chinatown.
Website: www.alamandahotels.com
Mail: [email protected]

alamanda1.jpg

Khách sạn Alamanda, đây là mặt quay ra khoảng sân rộng phía sau.

alamanda2.jpg

Toàn cảnh khách sạn Alamanda.

alamanda3.jpg

Phòng nào cũng có mũi tên chỉ về hướng Tây - hướng tới thánh địa Mecca - để những người theo đạo Hồi nhìn về phía đó mỗi khi cầu nguyện.
 
Lang thang đêm Kuala Lumpur

chinatown1.jpg

Phố Petaling, xương sống của khu Chinatown.

Nhận phòng ở Alamanda xong thì cũng đến giờ ăn tối, PeterPan tranh thủ lượn ra phố Petaling để lót dạ rồi vác máy ảnh lang thang đêm Kuala Lumpur. Từ Chinatown ra KLCC (Kuala Lumpur City Centre) khoảng 2 km theo đường chim bay, PeterPan cứ nhẩn nha nhắm theo hướng của Kuala Lumpur Tower và Petronas Twin Tower mà đi.

kualalumpur4.jpg


Đó là một buổi tối mát mẻ và dễ chịu. Đoạn đường thú vị nhất là khi đi dọc phố Raja Chulan, hai làn xe chạy ào ào nhưng không có cảm giác căng thẳng và bụi bặm. Bất ngờ thú vị đầu tiên là khi sang đường, một chiếc xe từ xa trờ tới rồi từ từ giảm tốc độ, hai người trong xe đồng loạt vẫy tay mời PeterPan đi qua. Trời ơi, người Kuala Lumpur dễ thương vậy sao?

kualalumpur5.jpg

Lướt qua tháp Kuala Lumpur, xa xa là tháp đôi Petronas.

kualalumpur6.jpg

Quán cafe Việt Nam ngay gần chân tháp đôi Petronas.

Cứ lang thang như thế rồi cũng tới tháp đôi Petronas...

kualalumpur7.jpg



kualalumpur8.jpg



kualalumpur9.jpg
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Xếp hàng MUA vé lên Skybridge

Giống như hầu hết những khách du lịch lần đầu đặt chân tới Kuala Lumpur, PeterPan cũng đưa việc lên Skybridge nối giữa 2 tòa tháp đôi Petronas vào lịch trình. Trước khi lên đường, những thông tin từ các bạn đi trước đều khẳng định vé lên Skybridge được phát miễn phí. Lonely Planet cũng khẳng định mỗi ngày sẽ có 1640 vé free để lên Skybridge, miễn là bạn có thể xếp hàng càng sớm càng tốt trước khi vé được phát ra từ khoảng 08h30 sáng.

Tuy nhiên, khi PeterPan tới tháp đôi Petronas vào sáng ngày thứ hai của hành trình, đã có chút thay đổi. Việc đi thang máy qua 41 tầng của tháp đôi để lên Skybridge không còn là miễn phí nữa kể từ 01/10/2010. Thay vào đó, bạn sẽ phải lựa chọn các gói (package) tùy theo nhu cầu:

- Gói 1: Chỉ lên Skybridge, giá vé 10 RM/người lớn, 3 RM/trẻ em.
- Gói 2: Lên Skybridge và đài quan sát (Observation Deck), giá vé 40 RM/người lớn, 20 RM/trẻ em.
- Gói 3 (Premium): Lên Skybridge + đài quan sát + dùng bữa tại Malaysian Petroleum Club, giá vé 200 RM/người kèm bữa trưa, nếu dùng món ăn Trung Quốc, Nhật Bản, hoặc ăn đồ Tây thì giá vé là 350 RM/người. Gói này phải đặt trước 1 tuần.

twintower2.jpg

Bảng giới thiệu và niêm yết giá các gói lên Skybridge.

Tất nhiên, PeterPan chọn gói 1. Tua nhanh tới đoạn chọn gói nào để lên Skybridge thì nghe có vẻ nhẹ nhàng chứ kỳ thực cũng khá vất vả. PeterPan tới khu vực xếp hàng chờ mua vé lúc 06h40 mà đã có khá nhiều người đang ở đó. Khoảng hơn 2 tiếng sau, hàng lang đã nhốn nháo hơn rất nhiều.

twintower3.jpg

Không còn 1 chỗ trống.

Tới 09h00, hàng người xếp theo kiểu ziczac chẳng còn chừa ra một khoảng trống nào nữa. Lúc này sẽ có một người đi phát cho từng người khách đang xếp hàng 1 tấm phiếu với với nội dung về số vé (mỗi người được mua tối đa 5 vé), quốc tịch... Tấm phiếu này sẽ giúp việc mua vé nhanh hơn chút ít khi mỗi người tới lượt của mình.

Phải tới 09h40, tức là 3 tiếng sau khi bắt đầu "đặt gạch", PeterPan mới mua được tấm vé của gói 1 (package 1). Cũng là một lần thử cho biết cảm giác chờ đợi để lên Skybridge.
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Bảo tàng Quốc gia Malaysia

PeterPan chọn lên Skybridge lúc 13h00 (lúc đó trời nắng, đỡ mù hơn buổi sáng), vì thế trống ra khoảng thời gian từ sau khi mua được vé. Không có sở thích mua sắm nên ở lại tháp đôi cũng phí thời gian, PeterPan tranh thủ về KL Sentral bằng line màu xanh Kelana Jaya rồi từ đó đi bộ qua Bảo tàng Quốc gia Malaysia.

muziumnegara3.jpg

Bảo tàng chỉ cách bến KL Sentral chừng 10 phút đi bộ. Nguồn: www.muziumnegara.gov.my

muziumnegara1.jpg

Bảo tàng Quốc gia Malaysia (National Museum - Muzium Negara).

Vé vào bảo tàng là 2 RM/người lớn, miễn phí cho học sinh các trường của Malaysia (với điều kiện là phải đi theo đoàn và mặc đồng phục). Bảo tàng này được xây dựng vào năm 1962 và chính thức khánh thành vào ngày 31/08/1963. Bảo tàng có 2 tầng trưng bày chia làm 4 khu tương ứng với các nội dung khác nhau gồm:

- Khu A: Thời tiền sử
- Khu B: Vương quốc Malay
- Khu C: Thời kỳ thuộc địa
- Khu D: Malaysia ngày nay

muziumnegara2.jpg

Cổng chính dẫn vào bảo tàng.

PeterPan chỉ có chưa đầy 2 tiếng tại bảo tàng nên chẳng khác nào "cưỡi ngựa xem hiện vật". Bảo tàng thực sự thú vị vì có cách sắp xếp khá khoa học cùng những chú thích, minh họa dễ hiểu và sinh động. Nếu bạn là người quan tâm tới lịch sử nói chung và lịch sử của Malaysia nói riêng, Bảo tàng Quốc gia Malaysia là một điểm không thể bỏ qua.
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Bảo tàng Quốc gia Malaysia (tiếp)

Để xem kỹ và hiểu được rõ ràng các khu trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia Malaysia, có lẽ phải cần ít nhất là nửa ngày tỉ mẩn ngắm nghía. Trong khoảng 2 tiếng ở đây, PeterPan chỉ kịp dạo 1 vòng để xem hết 1 lượt các khu trưng bày, nhưng như thế cũng chỉ đủ để có một cái nhìn hết sức sơ lược. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu về lịch sử của Malaysia, hãy chủ động dành một khoảng thời gian phù hợp để tham quan bảo tàng này, không nên đưa nó vào lịch trình theo kiểu lấp chỗ trống giống như PeterPan.

Vài hình ảnh về Bảo tàng Quốc gia Malaysia:

muziumnegara4.jpg

Các em học sinh háo hức vào tham quan bảo tàng.

muziumnegara7.jpg

Sảnh lớn giữa các khu của bảo tàng.

muziumnegara5.jpg

Khu tái hiện thời tiền sử.

muziumnegara6.jpg

Bản đồ con đường giao thương Á - Âu thời xưa.

muziumnegara8.jpg

Cảnh công nhân cạo mủ cao su trong khu trưng bày tái hiện thời kỳ thuộc địa.

muziumnegara9.jpg

Một công nhân đang tước vỏ dừa (?).

muziumnegara10.jpg

Chiếc đầu máy xe lửa ở khu trưng bày ngoài trời.
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Petronas Twin Tower và Skybridge

PeterPan trở lại KLCC để chuẩn bị lên Skybridge khi đồng hồ đã chỉ qua 12 giờ trưa. Sau khi tranh thủ đổi thêm Ringit ở tầng 1 của tháp đôi (có một số quầy đổi tiền tỉ giá khá tốt, bạn có thể tham khảo 1 lượt để chọn), PeterPan về tới khu vực hành lang dẫn vào thang máy lên Skybridge thì cũng vừa kịp còn thời gian để ăn trưa. Tuy nhiên, khuyến cáo các bạn không nên ăn cơm hộp của cửa hàng nhỏ đối diện khu phòng chờ lên Skybridge. Thức ăn không hợp khẩu vị của người Việt, nói chung là không ngon mà tính ra lại khá đắt. Một suất khoảng 7 RM, tính ra gần 50k tiền Việt.

Háo hức mãi rồi cũng tới lúc được lên Skybridge. Mỗi lượt lên Skybridge chỉ khoảng 40 người và mỗi người có khoảng 15 phút để kịp đi qua đi lại trên chiếc cầu độc đáo nối giữa 2 tòa tháp đôi. PeterPan cũng chỉ kịp chụp vài kiểu ảnh trước khi anh chàng nhân viên lịch sự thông báo giờ tham quan đã hết. Hình như chả được đến 15 phút, chừng 10 phút là cùng, có lẽ mới được khoảng 7-8 RM thôi chứ chưa hết 10 RM đã bỏ ra mua vé.

Cái cầu sắt đã khiến PeterPan mất hơn 3 tiếng chầu trực để mua vé lên cho bằng được ấy cũng mang nhiều chi tiết thú vị. Cây cầu ở giữa tầng 41 và 42 của 2 tòa tháp sừng sững này là cây cầu 2 nhịp ở độ cao nhất trên thế giới. Với độ cao 170m, cây cầu ngạo nghễ ấy dài 58m và nặng tới 750 tấn - một khối sắp thép đồ sộ giữa không gian. Một điều đặc biệt nữa đó là cây cầu không được thiết kế cố định với 2 tòa tháp mà có độ trượt ra và vào để hạn chế tác động của những cơn gió lớn trên cao.

twintower6.jpg

Skybridge nối liền 2 tòa tháp đôi.

twintower4.jpg

3 tiếng chờ đợi đổi lại là 15 phút đi qua đi lại trên Skybridge.
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Petronas Twin Tower và Skybridge (tiếp)

Trong 15 phút ít ỏi trên Skybridge, PeterPan chỉ kịp chụp vài bức ảnh mang tính... lưu niệm. Đúng là chết cái tội bon chen, xếp hàng chán chê rồi bỏ ra 10 RM để vù lên độ cao 170m, chụp vài kiểu ảnh rồi lại tất tả đi xuống. Những kiểu ảnh chụp vội qua những tấm kính loang loáng thật may là cũng không đến nỗi nào.

twintower8.jpg

Tòa nhà trụ sở của Public Bank - ngân hàng nội địa lớn nhất Malaysia hiện nay tính theo vốn góp của các cổ đông.

twintower7.jpg

Ngay chân tháp đôi là công viên KLCC, tòa nhà chạy bao 2 góc công viên là trung tâm hội nghị Kuala Lumpur.

twintower5.jpg

Khoảng sân phía sau tháp đôi.

twintower9.jpg

Theo PeterPan, view từ Skybridge không đẹp vì bị hạn chế bởi cái khung là 2 toà tháp đôi.

twintower10.jpg

Thôi thì lên 1 lần cho biết, view đẹp thì đành chờ khi lên tháp Kuala Lumpur vậy.
 
Ngày 2: Kuala Lumpur

Petronas Twin Tower và Skybridge (tiếp)

Tháp đôi Petronas chính là biểu tượng của một Malaysia hiện đại, là niềm tự hào của một quốc gia Hồi giáo với gần 30 triệu dân này. Tòa tháp đôi là một khối kiến trúc cao 452m và được xây dựng trong suốt 3 năm (từ 1995 tới 1998). Mang hình dáng mô phỏng từ ngôi sao 8 cánh - biểu tượng của đạo Hồi, Petronas Twin Tower thực sự là một điểm nhấn nổi bật trong tất cả những bức ảnh chụp toàn cảnh thủ đô Kuala Lumpur.

Vẫn giữ kỷ lục là tòa tháp đôi cao nhất thế giới sau khi mất danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới về tay tháp Taipei 101, Petronas Twin Tower cũng đồng thời là một ví dụ vô cùng thú vị về một thế giới phẳng trong thời đại toàn cầu hóa.

Những bản vẽ thiết kế công trình vĩ đại này được thành hình bởi kiến trúc sư người Argentine, Cesar Pelli và cộng sự của ông, Djay Cerico. Nhưng không chỉ 2 công dân Argentine này mới xứng đáng được người Malaysia biết ơn. Bộ ba kỹ sư người Haiti là Domo Obiasse, Aris Battista và Princess D Battista chính là những người có công tạo nên bộ khung kết cấu của tòa tháp đôi.

Chưa hết, mỗi tòa tháp đôi lại được thi công bởi những công ty xây dựng đến từ các quốc gia khác nhau. Tòa tháp 1 (Kinetic 1) được thi công bởi công ty Hazama Corporation của Nhật Bản trong khi tòa tháp 2 (Kinetic 2) là phần việc của 2 nhà thầu Hàn Quốc là Samsung C&T và Kukdong Engineering & Construction (nhà thầu này còn bao luôn việc xây dựng và lắp đặt Skybridge). Có một chi tiết thú vị đó là tiến độ xây dựng của 2 tòa tháp là ngang nhau trong thời gian đầu. Tuy nhiên, người Hàn Quốc đã thắng người Nhật Bản trong cuộc đua tiến độ và tòa tháp 2 trở thành tòa kiến trúc cao nhất thế giới khi tòa tháp 1 còn đang dang dở.

Niềm tự hào của người Malaysia được hình thành từ bàn tay của những người ngoại quốc đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là ví dụ tiêu biểu của "một thế giới ngày càng phẳng".

twintower12.jpg

Petronas Twin Tower và các tòa nhà cao ngất trời khác. Nguồn: wikipedia.

twintower13.jpg

Một bảng so sánh khác với cả những công trình từ cổ chí kim. Nguồn: wikipedia.

twintower16.jpg

Hình vẽ ngôi sao 8 cánh của đạo Hồi.

twintower11.jpg

Tháp đôi với góc nhìn từ tổ hợp mua sắm Suria KLCC.

twintower14.jpg

Nét kiến trúc độc đáo của Petronas Twin Tower.

twintower15.jpg

Tháp đôi Petronas nhìn từ tháp truyền hình Kuala Lumpur.

twintower17.jpg

Petronas Twin Tower.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,637
Bài viết
1,154,241
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top